Bào chế TPCN giàu glucosamine hỗ trợ bệnh lý xương khớp từ phụ phẩm chế biến gia cầm

Chondroitin sulfate (CS) và glucosamine là những hoạt chất hỗ trợ hình thành mô liên kết xương, giảm mất canxi. Trong ngành sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng, đây là hai thành phần quan trọng được sử dụng phổ biến nhằm hỗ trợ điều trị, cải thiện chức năng cho người mắc và có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp.

Để tạo glucosamine, các nhà sản xuất thường sử dụng nguyên liệu đầu vào giàu chitin như vỏ tôm, cua…, hoặc điều chế từ nấm.

Phụ phẩm từ quá trình chế biến gia cầm, như sụn chân gà cũng chứa hàm lượng chitin cao, tuy nhiên lại ít được để ý khai thác. Ở nước ta, loại phụ phẩm này tuy dồi dào nhưng hiện chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, đem lại giá trị thấp.

Theo TS. Đặng Trần Hoàng (Viện Công nghệ sinh học và hoá dược NOVA – NOVAINS), sụn chân gà có tỷ lệ chitin chiếm tới 17%. Thêm vào đó, chitin nguồn gốc từ gia cầm có độ an toàn cao, thích hợp sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thủy hải sản. Đây cũng là xu hướng mới trong ngành sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp.

Do đó, nếu khai thác hiệu quả phụ phẩm từ quá trình chế biến gia cầm để tạo Glucosamine sẽ cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề: giảm “cơn khát” Glucosamine của thị trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đa dạng hoá nguồn thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh.

Nắm bắt được điều này, Viện NOVAINS đã mạnh dạn đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và Chondroitin sulfate (CS) từ phụ phẩm của quá trình chế biến gia cầm” nhằm đa dạng hoá sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Đề tài nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.

Hình ảnh tại buổi kiểm tra

Tại buổi kiểm tra định kỳ, Chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Trần Hoàng đã thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo với đoàn công tác Bộ Công Thương về tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ. Cụ thể, tới thời điểm này nhóm nghiên cứu đã tiêu chuẩn hoá được nguồn nguyên liệu cho quá trình chiết CS và Glucosamine. Công nghệ thu nhận glucosamine và CS từ chân gà hiệu quả cũng đã được xác định là công nghệ thuỷ phân nguyên liệu bằng các enzyme thích hợp.

“Phương pháp này có ưu điểm là tăng hiệu xuất thu hồi CS lên 92-94%, so với 34-38% nếu chiết nước và 12-15% nếu chiết bằng axit”- TS. Đặng Trần Hoàng chia sẻ. Thêm vào đó, phương pháp thuỷ phân enzyme được đánh giá là thân thiện môi trường, an toàn do hạn chế tối đa sử dụng hoá chất tổng hợp, mà vẫn đem lại hiệu quả thu hồi CS và glucosamine với năng suất tốt, hoạt tính sinh học cao.

TS. Đặng Trần Hoàng báo cáo kết quả thực hiện NVKH

Một số thiết bị công nghệ được sử dụng trong nghiên cứu

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được công thức thức uống và viên nang giàu CS và glucosamine hỗ trợ điều trị bệnh viêm xương khớp. Hiện tại, nhóm đang tập trung đẩy mạnh nghiên cứu các chỉ tiêu chất lượng, điều kiện bảo quản, đồng thời tiến hành xác định độc tính của 2 chế phẩm trên.

Sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang và thức uống của đề tài

Qua thuyết minh và xem xét các báo cáo chi tiết, tổ công tác Bộ Công Thương nhận định nhóm nghiên cứu đã có những sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề. Theo Phó trưởng đoàn công tác TS. Đặng Tất Thành, Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, sản phẩm của đề tài nằm trong số ít các thực phẩm chức năng có chứa cả CS và Glucosamine hàm lượng tiêu chuẩn được sản xuất hoàn toàn từ công nghệ được nghiên cứu trong nước và được sản xuất tại Việt Nam.

“Thực tế, đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu bài bản và tạo được các chế phẩm CS và glucosamine từ phụ phẩm chế biến gia cầm. Nghiên cứu có tiềm năng mở ra hướng sản xuất mới cho lĩnh vực điều chế thực phẩm chức năng có CS và glucosamine; giảm áp lực nhập khẩu các nguyên liệu trên; đồng thời giúp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước”, TS. Thành nhận định.

Đồng quan điểm với TS. Đặng Tất Thành, chuyên gia -TS. Nguyễn Mạnh Dũng (nguyên Trưởng phòng phát triển thị trường nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận xét, điểm mới của đề tài thể hiện qua việc kết hợp phương pháp hoá học truyền thống với phương pháp ứng dụng enzyme để thu nhận CS và glucosamine. Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Dũng, ứng dụng công nghệ sinh học đang được các nước tiên tiến thế giới ưa chuộng bởi tính thân thiện môi trường, an toàn và hiệu quả cao.

​TS. Phạm Đức Thuận – Viện trưởng NOVAINS phát biểu cảm ơn đoàn công tác

TS. Phạm Đức Thuận, Viện trưởng Viện NOVAINS chia sẻ, thời gian qua toàn Viện nói chung và nhóm nghiên cứu nói riêng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên nhóm đã nỗ lực vượt qua, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ. Các hạng mục đang được thực hiện dang dở sẽ tiếp tục được đẩy nhanh và cam kết hoàn thành vào cuối năm nay. Viện trưởng Viện NOVAINS cũng cảm ơn những chỉ đạo sát sao và hỗ trợ tích cực từ phía Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương trong thời gian qua, giúp nhóm nghiên cứu có những điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng các công việc được giao.

Thêm thông tin về đề tài

Đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và Chondroitin sulfate (CS) từ phụ phẩm của quá trình chế biến gia cầm”

Đơn vị thực hiện: Viện Công nghệ sinh học và hoá dược NOVA (NOVAINS)

Chủ nhiệm đề tài: TS. Đặng Trần Hoàng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *