UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 7699/UBND-SCT ngày 17-11-2021 giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, cần nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cấp quy mô các công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành công thương theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu trong nước, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các ngành, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng; ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành năng lượng, thương mại, công nghiệp chế biến (gồm: thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm đồ uống chế biến từ hạt, ngũ cốc…); các ngành công nghiệp nhẹ (dệt may, da giầy, giấy, dầu thực vật, nhựa…), khai thác khoáng sản. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, phát triển tài sản trí tuệ theo các chính sách, chương trình, kế hoạch của thành phố.
Đồng thời, tranh thủ hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp sinh học thông qua các chương trình hợp tác với các quốc gia tiên tiến, phát triển về công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học; chú trọng hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm chủ công nghệ được chuyển giao, nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ và tự chủ triển khai hoạt động sản xuất. Tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ trong nghiên cứu sản xuất, kinh doanh sản phẩm Đề án.
Khuyến khích đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ phát triển công nghiệp sinh học, đồng thời có chức năng kiểm nghiệm chất lượng và chất lượng an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của thành phố Đà Nẵng. Tạo lập thị trường thông thoáng, thuận lợi, phát triển thêm các ngành công nghiệp phụ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghệ sinh học; kết nối giữa các nhà khoa học của các Viện, trường, tổ chức với doanh nghiệp công nghệ sinh học để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ trong nghiên cửu sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học ngành công thương; xây dựng, lồng ghép trong các chính sách, chương trình thuộc lĩnh vực quản lý đối với cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu phát triển, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Tạo lập thị trường, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp sinh học, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến được nêu tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 22-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan khác. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng phát triển công nghiệp sinh học.
Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học và tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học ngành công thương; hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai kinh nghiệm, nguồn kinh phí thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Kêu gọi các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp sinh học để nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp sinh học và khai thác hiệu quả năng lực, kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học thông qua các phương tiện truyền thông hoặc bằng hình thức phù hợp nhằm phổ biến công nghệ, sản phẩm, các kiến thức về kỹ thuật, giải pháp hữu ích, thành tựu khoa học và công nghệ mới trong phát triển công nghiệp sinh học.
UBND thành phố giao Sở Công thương chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ Đề án được nêu tại Công văn này; tham mưu UBND thành phố triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành công thương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện có hiệu quả Đề án trên địa bàn thành phố; chú trọng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghệ chế biến phù hợp với các chủ trương, chính sách của Bộ, ngành trung ương.
Sở Công thương có trách nhiệm chủ động xây dựng nội dung cụ thể triển khai Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của ngành công thương bằng hình thức phù hợp, đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Đề án theo yêu cầu; chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án, gửi Bộ Công Thương, UBND thành phố và các đơn vị liên quan.
UBND thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 2141/KH-UBND ngày 27-3-2017 của UBND thành phố về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học thành phố Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, nghiên cứu, lồng ghép các chính sách hỗ trợ hiện hành của ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học công nghệ trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp sinh học trên địa bàn thành phố. Chú trọng các hoạt động khởi nghiệp, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ mới… để phát triển công nghiệp sinh học trên địa bàn thành phố.
Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện chủ động xây dựng nội dung cụ thể triển khai Đề án theo các nhiệm vụ Đề án có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý bằng hình thức phù hợp, đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Đề án theo yêu cầu; phối hợp báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ Đề án thuộc lĩnh vực quản lý khi có yêu cầu, gửi về Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo UBND thành phố và Bộ công thương.
Theo https://danang.gov.vn/