Huế tăng cường đảm bảo ATTP trong nông nghiệp

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 (Kế hoạch). Mục tiêu của Kế hoạch là góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản; đảm bảo mục tiêu chung của toàn ngành nông nghiệp về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển bền vững.

Theo Kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu tỷ lệ cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP (hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm) và tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng 10% so với năm 2021. Bên cạnh đó, diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10%; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10% so với năm 2021.

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ; 100% nhiệm vụ kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được thực hiện.

Bảo đảm ATTP góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân. (Ảnh: bnews)

Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, phổ biến về các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có hiệu quả nhằm thay đổi nhận thức và hành vi về chất lượng, ATTP cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản.

Đồng thời, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm khác như: tiếp tục chỉ đạo điều hành, quan tâm hướng dẫn phát triển sản xuất nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn; tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chủ động triển khai các chương trình giám sát, đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm, kiểm định phục vụ quản lý nhà nước và thanh tra, kiểm tra về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản;…

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh đạt kết quả thiết thực. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì tổ chức sơ kết và tổng kết để đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch; thống nhất giải pháp, biện pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc trong thực hiện làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

Xem toàn bộ Kế hoạch TẠI ĐÂY.

Bích Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *