Ở Việt Nam, người trên 40 tuổi có tần suất thoái hóa khớp trung bình là 66%. Trong đó có khoảng 23-29% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi có triệu chứng loãng xương, tỷ lệ này tương đương với các nước Âu Mỹ.
Theo số liệu báo cáo của Vinmec năm 2019, cứ 100 người thì có 10,41 người bị bệnh về xương khớp và có tới 30% trong số người bị viêm khớp dạng thấp. Do vậy, nhu cầu sử dụng Chondroitin sulfate (CS) và Glucosamine và các sản phấm giàu Glucosamine – CS để tăng cường sức khỏe xương khớp của người dân Việt Nam là rất lớn.
Trong khi đó, ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu thu nhận CS và Glucosamine còn rất mới và chưa có đơn vị nào sản xuất hai chế phẩm nói trên. Một số doanh nghiệp nhập khẩu chế phẩm CS và Glucosamine để sản xuất viên nang. Trên thực tế mới chỉ có rất ít các sản phẩm giàu Glucosamine và CS cho người mắc bệnh xương khớp được sản xuất tại Việt Nam.
Phụ phẩm từ quá trình chế biến gia cầm, như sụn chân gà cũng chứa hàm lượng chitin cao nhưng ít được để ý khai thác. Ở nước ta, loại phụ phẩm này tuy dồi dào nhưng hiện chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, đem lại giá trị thấp. Xuất phát từ hướng tiếp cận nêu trên Viện Công nghệ sinh học và hoá dược NOVA – NOVAINS đã “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và Chondroitin sulphate (CS) từ phụ phẩm quá trình chế biến gia cầm”. Nghiên cứu nhằm đa dạng hoá sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ các bệnh lý liên quan đến xương khớp, đồng thời, góp phần tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đề tài nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.
TS. Đặng Trần Hoàng – Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu cho biết, sụn chân gà có tỷ lệ chitin chiếm tới 17%. Thêm vào đó, chitin nguồn gốc từ gia cầm có độ an toàn cao, thích hợp sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thủy hải sản. Đây cũng là xu hướng mới trong ngành sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp.
Sau quá trình nghiên cứu, nhóm đã tiêu chuẩn hóa được nguồn nguyên liệu chân gà cho sản xuất các chế phẩm CS và Glucosamine. Đồng thời, công nghệ thu nhận Glucosamine và CS từ chân gà hiệu quả cũng đã được xác định là công nghệ thuỷ phân nguyên liệu bằng các enzyme thích hợp. Phương pháp này có ưu điểm là tăng hiệu xuất thu hồi CS lên 92-94%, so với 34-38% nếu chiết nước và 12-15% nếu chiết bằng axit. Thêm vào đó, phương pháp thuỷ phân enzyme được đánh giá là thân thiện môi trường, an toàn do hạn chế tối đa sử dụng hoá chất tổng hợp, mà vẫn đem lại hiệu quả thu hồi CS và Glucosamine với năng suất tốt, hoạt tính sinh học cao.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế TS. Đặng Trần Hoàng cho biết: “Việc hoàn thiện công nghệ chiết suất Glucosamine từ phụ phẩm chế biến gia cầm sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ giảm giá thành sản phẩm thuốc hỗ trợ cho người bệnh mà còn giúp họ dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm này hơn, cũng như góp phần đa dạng hóa nguồn thực phẩm chức năng có nguồn gốc Glucosamine trên thị trường trong nước, vốn trước đây chủ yếu nhập ngoại với giá thành cao”
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm của đề tài nằm trong số ít các thực phẩm chức năng có chứa cả CS và Glucosamine hàm lượng tiêu chuẩn được sản xuất hoàn toàn từ công nghệ được nghiên cứu trong nước và được sản xuất tại Việt Nam. Nghiên cứu của TS. Đặng Trần Hoàng và các cộng sự đã tạo được các chế phẩm CS và Glucosamine từ phụ phẩm chế biến gia cầm, mở ra hướng sản xuất mới cho lĩnh vực điều chế thực phẩm chức năng có CS và Glucosamine; giảm áp lực nhập khẩu các nguyên liệu trên; đồng thời giúp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước.
Việc sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và CS ở trong nước còn tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập do nguyên liệu chủ động trong nước, nhân công hợp lý, công nghệ đảm bảo tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chondroitin sulfate (CS) và Glucosamine là những hoạt chất hỗ trợ hình thành mô liên kết xương, giảm mất canxi. Trong ngành sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng, đây là hai thành phần quan trọng được sử dụng phổ biến nhằm hỗ trợ điều trị, cải thiện chức năng cho người mắc và có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp. Để tạo Glucosamine, các nhà sản xuất thường sử dụng nguyên liệu đầu vào giàu chitin như vỏ tôm, cua…